Nhóm Giọt Nắng xin gởi các bạn chương trình cuối năm gây quỹ ủng hộ tiền xe về quê và quà mừng Tết cho các bạn khiếm thị tại cơ sở Bừng Sáng.
Chiều chạng vạng hoàng hôn, lò dò theo cầu thang hẹp, lúi húi trên căn gác nhỏ- ngôi nhà của mái ấm Bừng Sáng hỏi chuyện cô bé mù đang học bài thì nghe tiếng đàn tranh réo rắt dưới nhà. Thì ra tiếng đàn tranh của em- cô bé mù không quen đang dạo bài Dạ Cổ Hoài Lang. Nghe bản nhạc danh tiếng này không biết bao lần, bao nơi, kể cả nơi sinh ra ông Cao Văn Lầu, nhưng đây là lần đầu tiên hắn được nghe tiếng đàn bài Dạ Cổ từ một cô bé khiếm thị, được xem đôi tay em tha thướt trên những phím đàn với nụ cười lúc nào cũng bẽn lẽn trên môi: em đàn dở lắm, anh chị nghe đừng cười em nghen.
Điệu hoài lang vang trong căn phòng nhỏ chiều cuối năm, giữa những xôn xao ồn ào phố thị. Ngoài kia là tiếng lào xào đỉ kiểu từ mấy chiếc tivi mở to, bên kìa là tiếng mấy bà nội trợ đang tụ tập chuyện vãn, sát bên nhà là đam trẻ con đang tụ tập chơi đùa láo xáo, thỉnh thoảng là tiếng xa máy vù qua hẻm. Tiếng đàn cất lên, chen trong những âm thanh phố thị thường nhật như một chút thanh âm trong veo khiến người ta phải lắng tai nghe. Nghe mà lòng chùng. Đủ khiến gã trai sông hồ thành một gã giang hồ vặt “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”! Cô bé này ở mái ấm Bừng Sáng- nơi nuôi dạy các trẻ em khuyết tật khiếm thị. Em tên là Phượng, quê ở tỉnh Sông Bé (cũ). Nghe tiếng là cô bé này đàn hay của mái ấm Bừng Sáng, nên khi gặp, cô bạn đồng nghiệp đi cùng đã tranh thủ nhờ em đàn cho nghe. Em cười hiền khô đàn tiếp cho ku tí tui nghe bài Hồn Quê (tức Bài Ngợi Ca Quê Hương) của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Hoàng hôn buông, trong con hẻm nhỏ ngoằn nguèo thông từ đường Nguyễn Tri Phương ra đường Vĩnh Viễn, Q.10, tiếng đàn em cứ chen trong những tiếng động lao xao thường nhật, tấu khúc tình thương mà nghe nao nao.
Hồn ngất ngây câu hò hát quê
Nghe như mùa xuân đang đợi ngày về
Nhịp cầu tre lắc lẻo bờ ao
Hàng dừa xanh gió chiều lao xao
Hát lên đi hát bài ca ngợi tình yêu bên nhau.
Nghe như mùa xuân đang đợi ngày về
Nhịp cầu tre lắc lẻo bờ ao
Hàng dừa xanh gió chiều lao xao
Hát lên đi hát bài ca ngợi tình yêu bên nhau.
Rồi em xin phép được đi học vì đã trễ giờ. Gã tham lam mới tiếc rẻ giật mình vì rất muốn nghe được nghe đàn nữa. Và lò dò đi theo các em.
Tới giờ các em đi học Anh văn rồi, thầy giáo cũng là một bạn dạy tình nguyện cho đám học trò miệng đọc tiếng Anh, tay lần dò chữ nổi.
thoáng ngạc nhiên khi thấy những em đang ngồi học và chơi trên máy vi tính, khi thấy tất cả các màn hình đều tắt. Rồi chợt hiểu!
Nơi để dạy anh văn, vi tính, đàn nhạc cho các em nằm giữa 2 ngôi nhà nhỏ-là hai nơi nuôi dưỡng và dạy dỗ 43 em khiếm thị của mái ấm Bừng Sáng.
Mái ấm nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương. Các em ở làm hai nơi vì nhà quá chật. Nhà nữ ở có 2 tầng gác, nhà nam thì 1 tầng gác.
Các em trai thì ở đây, các em gái thì ở gần đó. Gần nhưng cũng phải đi qua một số con hẻm ngoằn nguèo. Hôm ku tí tui tới, đúng lúc các em vừa xong một buổi giao lưu nhỏ với một nhóm sinh viên. Các cô bé rồng rắn kéo nhau về. Em bé trai này chỉ nhìn thấy chút xíu lờ mờ, chỉ đủ để biết đường đi từ mái ấm của các bạn nam sang nhà các bạn nữ. Nên em có nhiệm vụ dắt cô bé mù còn sót lại -vì chúng bạn về trước- về nhà.
Hai đứa trẻ đi trong những con hẻm nhỏ, quẹo qua quẹo lại mà nếu không để ý, thế nào ku tí tui cũng không nhớ đường ra. Hai đứa bé, tươi cười, bình thản nắm tay nhau đi, thong thả, vô tư, vui vẻ băng qua những người sáng mắt, may mắn hơn chúng. Thi thoảng đến những chỗ cua quẹo, chúng lại dừng đứng chờ hắn đi như ý chừng sợ hắn đi lạc.
Cậu bé đưa hắn đến nhà ở các cô bé gái mù thì ngoan ngoãn đứng đợi bên ngoài cửa, chờ cho đến khi hắn ra về.
cách phân biệt rõ nhất nhà con gái ở với nhà con trai.
cô bé này chuẩn bị đi tắm. cứ nhìn cảnh cô bé lần dò đi tìm khăn, áo..., hắn nhớ lại lần đầu tiên vào thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu hồi xưa, cô giáo dạy văn học dân gian đã không nén được nước mắt khi nhìn thấy những đôi tay lần dò để làm mọi chuyện.
có ý ngại khi hắn chụp tấm hình này, vì có người e là nhìn cảnh không đẹp đẽ lộn xộn e phản cảm. Nhưng hắn không nghĩ vậy, đó là cuộc sống thường nhật của các em. Cơ hàn nhưng đâu có dơ bẩn đâu mà!
em đứng đợi, chờ tới lượt cơm của mình.
tư thế ngồi ăn quen thuộc, nhưng tô cơm luôn để sát miệng để và ăn khỏi bị trật, rơi ra ngoài.
Đây là bữa cơm tối của các em. Trong hình là chị nuôi cho các em ăn. Hôm nay bầy trẻ được ăn cơm bò xào và canh cải. Và một nồi cơm to. À, có thêm chai tương ớt nữa. Nắp vung mở ra gợi nhớ mùi gạo quen quen, cái mùi khiến kẻ không hề biết bếp núc như hắn cũng biết đỏ là mùi gạo rẻ. Chị nuôi luôn tay xới cơm, bỏ đồ ăn vào từng tô cơm và gọi tên từng em kèm theo câu hỏi quen thuộc có ăn tương ớt không em. Bầy trẻ ăn ngon lành, chuyện trò rôm rả hào hứng.
nhà chật, ngồi đâu cũng được mà.
căn gác nhỏ, cả chục người thức ngủ sinh hoạt nơi này.
bên cạnh đó là góc ngoài hiên, nơi các em ngồi chơi.
cây cầu thang dốc đứng vì nhà quá nhỏ. Sán mắt đi sơ ý còn dễ té nữa là...
tivi chung, mở để nghe.
ăn cơm xong, chúng tự động lần đi xuống bếp để tô chén vào chỗ quy định, xúc miệng đánh răng.
còn đây, là cô bé đang làm bài tập.
cách học quen thuộc và duy nhất của người khiếm thị.
học, làm bài với chữ nổi.
cô bé giảng giải một hồi về cách viết, sử dụng chữ nổi, nhưng hắn chịu, không nhớ hết nổi.
hắn chỉ nhớ là những miếng giấy này được xài rất tiết kiệm để đỡ tốn tiền mua.
Và thấy đôi hoa tai em đeo có hình ngôi sao trông thật xinh. Nó lấp lánh sáng theo mỗi cử động của em trong buổi tối với ánh đèn nê-ông lờ mờ.
ừ mà, chắc em chỉ cảm nhận thôi, chứ không thấy nó xinh đâu nhỉ!
Hắn nhớ nụ cười ngượng nghịu của em, cô bé đàn tranh.
Nếu số phận cho em cắp mắt để nhìn cuộc đời, hẳn là em đã có được nhiều cơ hội chọn lựa cho cuộc sống mình.
Hắn nhớ câu hát bài Hồn Quê cô bé mù đã đàn cho hắn nghe. Hồn ngất ngây câu hò hát quê . Nghe như mùa xuân đang đợi ngày về. Mong em sẽ có được một mùa xuân trọn vẹn nơi quê nhà.
Mái ấm Bừng Sáng có khoảng 43 em nam và nữ đang trong độ tuổi đi học. Chuyện về tết đang là chuyện nóng với những kẻ đi tha phương xa quê vì việc mua cho được vé tàu, xe, máy bay khó khăn. Với các em lại càng khó hơn, vì chúng không có tiền để về quê! Dù chúng thèm lắm, nhưng….điều này thì phải cần có sự góp tay của mọi người! Dự kiến là mỗi em sẽ được hỗ trợ 150 ngàn tiền xe về Tết, 100 ngàn tiền quà Tết. (đám trẻ ở tứ tán khắp nơi, đứa ngoài Bắc, đứa ở Trung, đứa ở miền Tây, chẳng biết số tiền ấy có thấm vào đâu không nữa, nhưng, có còn hơn không vậy!) Như vậy là cần có khoảng gần 11 triệu để có thể giúp các em về quê. Nếu huy động được đóng góp của bà con gần xa nhiều hơn thì sẽ bổ sung thêm vào mỗi phần quà-tiền xe cho các em. Cũng như một entry trước, mong là đông tay thì vỗ nên kêu, mong bà con ghé ngang nhà ủng hộ một vài ly cà phê, bữa cơm văn phòng (hoặc không ủng hộ thì…nhịn cũng được- đằng nào cũng sắp tết, sẽ tha hồ được ăn uống bù. Hì hì). Mọi đóng góp, xin được gửi về số tài khoản: 0071002380116, chủ tài khoản Phạm Thị Phương Thy, Ngân Hàng Vietcombank TPHCM.
Mọi thông tin đóng góp khác vui lòng liên hệ: Vũ Thùy Như Linh (0908401222) hoặc Phạm Thị Phương Thy (0908291134)
Minh Hạ
--
Thanks & Regards,
--------------------------------
G.N.G - Giot Nang Group.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét