Mặc cho cái lạnh giữa đêm khuya, cậu bé chừng 12 tuổi áo đẫm mồ hôi, ôm từng bao rau, củ quả… đặt lên trên chiếc xe cao gấp rưỡi thân người, luồn lách giữa chợ đông người.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), từ ngày hình thành, đã là nơi để hàng trăm con người bán sức lao động kiếm tiền. Trong đội quân bốc xếp hùng hậu tại nơi này có hàng chục em nhỏ 10 - 16 tuổi.
Hơn 12h đêm những ngày đầu tháng 1, tiếng động cơ, còi xe của những chuyến xe hàng container, xe tải tấp nập ra vào chợ, tiếng gọi nhau í ới của những người giao hàng phá tan màn đêm tĩnh lặng, báo hiệu một phiên chợ nhộn nhịp lúc nửa đêm. Giữa cái lạnh ấy, cậu bé Do (chừng 10 tuổi, quê Nghệ An) hì hục chất đầy những bao rau (hơn 5 kg) lên chiếc xe kéo. Thỉnh thoảng, cậu bé lấy tay gạt những giọt mồ hôi rơi lã chã trên gương mặt già trước tuổi.
“Học hết lớp 5 thì cháu phải nghỉ học, nhà nghèo lại đông anh em các anh chị đều phải đi bán vé số hoặc đi làm thuê để kiếm tiền phụ ba mẹ, nhà cháu nghèo lắm”. Do vừa đẩy xe vừa nói.
Thân hình gầy gò, hốc hác vì nhiều đêm thức trắng, Do cho biết, 8h tối em đã phải có mặt ở khu chợ B (chợ A chuyên về trái cây, chợ B rau, củ quả…) chờ những chuyến xe nhận hàng vận chuyển vào sạp cho các tiểu thương tại chợ. Mỗi đêm vất vả, em kiếm được 50.000 đồng/đêm.
“Lúc mới vào đẩy xe, các bao hàng đều nặng, cháu khiêng không nổi rớt xuống chân đau lắm. Nhiều lần còn bị xe kéo của các anh chị khác lao vào chân máu chảy đầm đìa chỉ biết khóc một mình”, Do nhăn nhó kể lại.
“Lúc mới vào đẩy xe, các bao hàng đều nặng, cháu khiêng không nổi rớt xuống chân đau lắm. Nhiều lần còn bị xe kéo của các anh chị khác lao vào chân máu chảy đầm đìa chỉ biết khóc một mình”, Do nhăn nhó kể lại.
Cũng giống Do, ở khu chợ này còn có nhiều những đứa trẻ khác đang chen lấn cùng những thanh niên trai tráng khác ì ạch đẩy những chuyến hàng nặng hơn trọng lượng cơ thể chúng.
Thịnh "Lùn" - 12 tuổi nhưng đã có 3 năm kéo xe tại chợ cho hay, trước đây em cũng kéo hàng cho một sạp rau trong chợ này, tiền tính theo mỗi đêm. Nhưng bây giờ em kéo hàng tự do tính theo chuyến, tùy theo lượng hàng sẽ được các chủ hàng trả từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng. "Làm như vậy cho khỏe, tiền lại nhiều hơn. Mấy thằng kia mới vô nghề, chỉ làm cho một chủ nên sẽ hẻo hơn”, Thịnh tỏ vẻ sành sỏi nói.
Thịnh kể, những ngày đầu vào làm chân tay đều sưng phù hết cả lên. Trong lúc đẩy hàng mà rau, củ quả… bị rớt dập nát chủ hàng mà bắt gặp sẽ bị chửi bới thậm tệ, có khi bắt đền thì ngày đó coi như công cốc. Hơn thế nữa từ lần sau họ sẽ không thuê. Ánh mắt xa xăm trong thời gian chờ khách, Thịnh cho biết thêm, lúc bắt đầu "nghề", em cũng bị bắt nạt bởi các anh chị lớn tuổi hơn vì nhiều người thương thuê chuyển hàng.
Thịnh kể, những ngày đầu vào làm chân tay đều sưng phù hết cả lên. Trong lúc đẩy hàng mà rau, củ quả… bị rớt dập nát chủ hàng mà bắt gặp sẽ bị chửi bới thậm tệ, có khi bắt đền thì ngày đó coi như công cốc. Hơn thế nữa từ lần sau họ sẽ không thuê. Ánh mắt xa xăm trong thời gian chờ khách, Thịnh cho biết thêm, lúc bắt đầu "nghề", em cũng bị bắt nạt bởi các anh chị lớn tuổi hơn vì nhiều người thương thuê chuyển hàng.
Cách đó không xa, Đức (14 tuổi) đang ngồi co ro trong góc khuất, tay chân run rẩy vì lạnh. Quê tận Cà Mau, vừa học hết lớp 1, em đã nghỉ học theo cha mẹ lên thành phố mưu sinh. Hằng đêm tại khu chợ này, Đức gồng mình kéo hàng kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Đức cho biết, em bắt đầu công việc từ lúc 7h tối đến tận rạng sáng hôm sau mới về nhà ngủ. Mỗi chuyến xe em kéo được trả công 3.000 đồng. “Có hôm nhiều hàng, cháu kéo được hơn 50 chuyến. Phụ người ta mệt thật nhưng được trả tiền mang về cho mẹ”, cậu bé hồ hởi. Cùng lúc xe hàng tới, nhanh như sóc Đức lao ra chất đầy hàng lên xe, rồi luồn lách qua từng ngõ ngách trong chợ đến điểm giao hàng.
Sau hơn vài giờ làm việc quần quật, mồ hôi ướt đẫm áo. Nhắc đến việc đến trường, cậu bé trả lời gọn lỏn: “Ba mẹ làm phụ hồ, lấy đâu ra tiền mà đi học”.
Ước mơ trong Tết này của em là mua được chiếc xe đẩy hàng mới để khỏi phải đi thuê. "Muốn mua một xe mới phải tốn đến 700.000 đồng, xe cũ cũng phải 300.000 - 400.000 đồng. Nếu không có tiền, con sẽ phải tiếp tục thuê xe với giá 5.000 đồng/một đêm. Gần Tết hàng hóa về nhiều, tụi con sẽ có nhiều việc để làm", Đức hồ hởi nói.
Trong cái chợ đêm nổi tiếng phức tạp bởi các loại tệ nạn xã hội nhất Sài Gòn này, những mảnh đời trẻ thơ mưu sinh trong đêm như: Do, Hiếu, Dương... đến từ những vùng đất khác nhau nhưng chung mục đích là bán sức lao động còm cõi cho những chuyến hàng để kiếm tiền. Hầu hết bọn trẻ làm việc đều thô sơ, không có dụng cụ bảo hộ.
Chị Hạnh, chủ quán nước giải khát trong chợ đầu mối nông sản này cho biết, hầu hết những đứa trẻ sống về đêm tại chợ đều làm việc như người lớn. Mỗi chuyến vận chuyển như thế, các em đều phải bốc hàng lên xe với khối lượng lên đến hơn 100 kg rồi di chuyển quãng đường xa hàng trăm mét.
"Nhà nghèo quá mới để con nhỏ đi kéo xe như thế này. Nhìn lại những đứa con của mình vẫn chăn êm nệm ấm ngủ cho tới sáng rồi được ba mẹ đưa đi học, mới thấy chúng thật đáng thương", chị Hạnh chép miệng nói.
Còn anh Hậu, một tiểu thương ở quận 9, chuyên lấy mặt hàng rau củ, quả tại chợ đầu mối này cho hay: "Thường lấy hàng về bán nên những mặt hàng nào nhẹ như rau, xả, ớt... tôi ưu tiên cho những đứa bé tội nghiệp này hòng giúp chúng kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình".
Bên cạnh những tiếng đứa trẻ kéo xe kiếm tiền, chợ đầu mối này còn là điểm mưu sinh hằng đêm của hơn chục đứa trẻ bán vé số như: Thuận, Bờm, Hằng... Chúng đều trong độ tuổi ăn học nhưng hàng ngày vẫn phải lặn lội một quãng đường xa từ rất sớm đến đây kiếm sống.
"Giờ có cho đi học cháu cũng không đi vì chẳng có tiền. Đi làm còn có tiền phụ giúp ba mẹ, đưa mẹ mua quần áo mới mặc đi chơi Tết", Tèo một trong những em nhỏ chuyên kéo xe hàng tại ngôi chợ này ngọng nghịu nói.
Vĩnh Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét