Bài dự thi “Sự hy sinh thầm lặng”
Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 11giờ trưa, mặc dù ngôi nhà của lương y Đào Viết Thoàn tọa lạc ở ngay trước cánh đồng lúa đang chín vàng nhưng vừa vượt qua hàng chục km bằng xe máy dưới cái nắng chói chang, đến đây trời lại lặng gió nên mồ hôi trong người tôi đổ ra như tắm. Tôi xin phép mọi người cởi chiếc áo ngoài ướt đẫm mồ hôi vắt lên dây phơi, ngồi thở dốc như một người nông dân vừa đuổi bắt một con trâu sổng chuồng chạy tứ tung ăn lúa.
Mùa hè năm 2010, những người nông dân không chỉ chịu cảnh thời tiết nắng nóng khủng khiếp có khi lên đến 45 độ C mà còn chịu cảnh mất điện triền miên. Ở cái làng quê Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình của anh thương binh - lương y Đào Viết Thoàn ngày nào cũng như ngày nào, mất điện từ sáng cho đến 8 - 9 giờ tối, thậm chí 11 - 12 giờ đêm mới có điện. Hàng chục bệnh nhân bỏng và người nhà bệnh nhân đang ngồi ở ngoài hiên nhà, ngoài bóng cây phe phẩy chiếc quạt nan. Thật cám cảnh cho những bệnh nhân bị bỏng, đặc biệt là những bệnh nhân nhi, họ không chỉ bị cơn đau hành hạ mà còn bị cả cái nóng hành hạ, thành thử nỗi đau như nhân đôi.
Vù, vù, vù! Có điện rồi, tôi quá mừng mà thốt thành tiếng khi nghe thấy tiếng quạt điện nhưng tôi nhầm, đấy là tiếng cây quạt tích điện mà lương y Đào Viết Thoàn đang dành thăm khám cho bệnh nhân là cháu bé Hoàng Thị Khánh Nhi, mới 2 tuổi nhưng đã bị cái đau khủng khiếp giáng vào đôi tay bé bỏng. Cháu Nhi quê ở xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, Nghệ An, trong lúc nô đùa chạy chơi ngoài đường làng thì bị ngã vào đống rác đốt ven đường. Tiếng thét xé lòng của cháu Nhi không cứu được đôi tay bé bỏng của cháu thoát khỏi cháy sém; ngoài hai cánh tay, hai bàn tay bị bỏng thì 10 ngón tay của cháu Nhi hầu như bị chín thịt. Cháu Nhi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện ngoài Hà Nội, rồi được gia đình đưa về đây trông nhờ vào lương y Đào Viết Thoàn. Trong tiếng khóc vì đau và sợ hãi của cháu Nhi, tôi ái ngại hỏi lương y Thoàn:
- Tình trạng bệnh của cháu Nhi thế nào rồi anh?
Vừa thay băng cho cháu Nhi, lương y Thoàn vừa nói:
- Lúc cháu mới đến đây, tôi rất lo lắng vì cháu quá nhỏ mà bị bỏng nặng, nhưng sau 15 ngày điều trị bôi thuốc bỏng, cháu đã khỏi được 80%!
Bà Hoàng Thị Năm, bà ngoại của cháu Nhi cảm động nói xen vào:
- Thật phúc đức cho cháu được bác Thoàn đây chạy chữa cứu được đôi tay của cháu, ơn này gia đình chúng tôi chết mang đi, sống ghi lòng tạc dạ.
Bà Năm rơm rớm nước mắt. Bà khóc vì hạnh phúc cũng đúng thôi bởi lúc đầu bà tưởng cháu bà bị cưa mất hai bàn tay, một thảm họa không chỉ giáng xuống cả đời cháu mà còn giáng cả vào ông bà, bố mẹ của cháu. Nhưng đôi bàn tay bé bỏng của cháu Nhi đã được lương y Thoàn cứu chữa thành công. Ngay như tôi, cháu Nhi không phải con mình nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Thay băng, bôi thuốc cho cháu Nhi xong, lương y Thoàn dẫn tôi đi ra ngoài, thấy anh đi tập tễnh, mồ hôi vã ra trên trán, tôi bảo anh vào bóng mát mà ngồi để tôi đi thăm hỏi mấy bệnh nhân nữa. Anh Thoàn bảo không sao, nông dân như các anh chịu nóng quen rồi, để anh đi cùng có gì còn giải thích về mặt chuyên môn. Chúng tôi đến bên mâm cơm ngoài sân ở một ngôi nhà bên cạnh, dưới bóng cây râm mát, bốn bệnh nhân bỏng đang ăn cơm. Họ ăn cơm bình dân do một gia đình cạnh nhà anh Thoàn nấu phục vụ. Trời đánh tránh miếng ăn, tôi xin lỗi nói với họ như vậy và xin phép được trò chuyện vì không có nhiều thời gian.
Trần Đình Thuần, sinh năm 1968, quê ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình, bị bỏng vì điện giật, 4 ngón chân cháy khét, sau 25 ngày điều trị, 2 ngón đã khỏi hẳn, còn 2 ngón kia cũng đang phục hồi rất tốt.
Lưu Văn Hoạt, sinh năm 1970, quê ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, Thái Bình, bị bỏng nước máy nổ của máy cày ở tay phải, bụng và nách; sau 5 ngày được lương y Thoàn cứu chữa, những vết bỏng của anh Hoạt đã dần hồi phục, chỉ độ mươi hôm nữa là anh có thể về nhà.
Phan Huy Miền, sinh năm 1975, quê ở xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, Hải Dương, bị bỏng cám lợn ở chân và bụng; sau 10 ngày điều trị ở đây đã đỡ được đến 70 - 80%.
Bốn người trong mâm cơm ở bốn vùng quê khác nhau, bị bốn kiểu bỏng khác nhau nhưng đều giống nhau ở sự đau đớn, sự ân hận vì bất cẩn và đều rất sung sướng vì được lương y Đào Viết Thoàn và chị Hơn - vợ anh Thoàn - tận tâm cứu chữa. Không chỉ có họ mà hàng chục bệnh nhân và người nhà bệnh hiện đang chữa bỏng nội trú ở cơ sở chữa bỏng của lương y Đào Viết Thoàn mà tôi trò chuyện đều chung một tấm lòng cảm kích dành cho anh và người vợ tần tảo của anh. Họ đến đây chữa bệnh được đối xử ân cần như người nhà, không có cảnh quát nạt, vòi tiền bệnh nhân như ở nhiều bệnh viện. Không những thế, bệnh nhân còn được miễn giảm rất nhiều thứ. Cho đến nay, sau 21 năm hành nghề chữa bỏng cứu người, lương y Đào Viết Thoàn đã chữa cho 18.298 bệnh nhân đến từ mọi miền đất nước mà không xảy ra tai biến gì; Miễn 3.188.400.000đ tiền thuốc cho 1.268 bệnh nhân là đối tượng chính sách như Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi; Miễn tiền công cho 5.224 bệnh nhân là người nghèo và trẻ em; Miễn toàn bộ giường nằm, điện nước và chất đốt cho 10.500 bệnh nhân điều trị nội trú tại gia đình. Khu chữa bệnh nội trú của lương y Thoàn mà bệnh nhân thường gọi là nhà thương - ngôi nhà tình thương, gồm 2 dãy nhà với 20 giường nằm tươm tất, sạch sẽ, không có cảnh ghép 2 - 3 bệnh nhân/giường. Có lúc đông bệnh nhân, chủ nhà còn nhường cả giường ngủ của vợ chồng, con cái cho bệnh nhân.
Tay phe phẩy chiếc quạt nan, tôi bảo với lương y Đào Viết Thoàn:
- Nếu anh không miễn phí nhiều thứ cho bệnh nhân trong hơn 20 năm; nếu chữa bỏng anh chỉ cần lấy tiền thuốc, tiền công như bao lương y khác, tôi chắc rằng anh sẽ trở thành người giàu có. Nhưng xem ra gia đình anh cũng bình dân như bao người nông dân khác ở làng anh?
Anh Thoàn bảo:
- Bệnh nhân đến đây đa số là nông dân, trẻ em, họ cũng nghèo như mình nên mình không nỡ lòng nào làm giàu trên nỗi đau và sự nghèo khó của họ anh ạ!
Tôi hỏi lương y Thoàn, sau hơn 20 năm chữa cho gần 20 ngàn bệnh nhân bỏng, anh có điều gì nhắn gửi với bệnh nhân không? Lương y Thoàn bảo nhắn gửi cho bệnh nhân thì có lẽ không vì họ đã khỏi bệnh nhưng nhắn gửi cho mọi người, nhất là các bậc làm cha làm mẹ thì anh rất muốn. Anh nói rằng bỏng là một căn bệnh rất nguy hiểm, không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây nên sự đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, nếu bị bỏng nặng ở mắt có thể bị mù lòa, ở chân tay có thể bị cưa chân, cưa tay trở thành tàn tật suốt đời. Đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em rất hiếu động, chỉ một sự chủ quan rất nhỏ của người lớn như dọn cơm, nồi canh nóng để bên cạnh, bố mẹ quay ra lấy cái thìa hay tí nước mắm, nghĩ rằng chỉ vài bước chân thôi nhưng trong vài tích tắc ấy, đứa con đã ngã hay thò tay vào nồi canh nóng rồi, thế là bị bỏng. Hàng ngàn đứa trẻ đến nơi anh chữa bỏng hầu hết do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn. Tiếng khóc thét vì đau đớn của những đứa trẻ bị bỏng luôn luôn ám ảnh anh; nhiều khi vừa chữa bệnh cho các cháu, anh vừa khóc theo. Vì vậy lời nhắn gửi của anh đến mọi người là không được chủ quan, hãy cẩn trọng với những thứ gây bệnh bỏng như nước sôi, lửa, điện. Đặc biệt là với trẻ em là đối tượng rất dễ bị bỏng vì vậy các bậc cha mẹ không được lơ là, sơ sẩy dù trong vài giây. Nghe lương y Thoàn nhắn gửi, tôi đùa bảo, nếu vậy thì anh thất nghiệp mất? Lương y Thoàn tươi tắn nói rằng anh sẵn sàng chịu thất nghiệp để không ai còn bị bỏng!
Quạt lắm cũng mỏi tay, tôi dừng tay quạt, quay sang ngắm nghía lương y Đào Viết Thoàn. Nếu không gặp thì thật khó tin, một lương y nổi tiếng nhưng vẫn đặc sệt nông dân, từ cái dáng hình lam lũ đến cách ăn nói nhỏ nhẹ. Và khi được biết anh là một thương binh nặng ¼ hiện mang trong mình hàng loạt những vết thương chí tử thì tôi thật sự kinh ngạc và khâm phục trước ý chí, nghị lực phi thường và tình thương người trong anh.
Lương y Đào Viết Thoàn chữa bỏng cho một bệnh nhi. |
Năm 1979, trong một trận chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, anh bị thương và được đưa về điều trị tại Quân y viện 108, 103 với những vết thương mà ngay cả đến bác sĩ mổ cho anh cũng không tin rằng anh có thể sống được. Anh bị chấn thương sọ não, mất một mắt trái, xẹp đốt sống D11, D12, gãy xương sườn bên phải, mất toàn bộ hai cơ dép và hai cơ mông, mất xương bàn chân bên phải, mất bánh chè chân phải. Trong hai năm liền, người thương binh Đào Viết Thoàn đã phải vật lộn trên bàn mổ gần 10 lần, nhiều lần tưởng chừng cận kề cái chết nhưng được sự động viên và tận tình cứu chữa của các y bác sĩ, của người vợ thân yêu đã thôi thúc anh vượt qua nỗi đau thể xác, sống và làm việc theo lời Bác Hồ đã dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Sau nhiều lần ghép da ở bàn chân mà không lành, vết thương vẫn bị hoại tử và lộ xương, anh thương binh Đào Viết Thoàn được nhiều người mách bảo đã tìm đến chùa Trắng ở thôn Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Hà Nội do sư cụ Thích Đàm Lương chủ trì để được đắp thuốc sinh cơ, nuôi thịt.
Một buổi sáng trong lành. Tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian thôn quê tĩnh mịch, anh thương binh trẻ mới hơn 20 tuổi Đào Viết Thoàn tập tễnh bước vào cửa chùa:
- Con chào cụ!
- Con là ai? Từ đâu đến?
- Thưa cụ, con là thương binh, hiện đang điều trị ở gần đây!
- Con đến cửa chùa có việc gì hay chỉ vãn cảnh chùa?
- Thưa cụ, con nghe danh cụ tìm đến đây muốn được nương nhờ cửa Phật để chữa bệnh cho bản thân và nếu có phúc được cụ dạy nghề thuốc để chữa bệnh cứu người thì thật là một diễm phúc lớn cho con!
Sư thầy Thích Đàm Lương mời anh thương binh trẻ vào chùa, bố trí cho anh một chỗ ăn ở, rồi thăm bệnh, bôi thuốc vào vết thương bỏng ở chân của anh. Trong những ngày được chữa trị ở chùa Trắng, anh thương binh Thoàn đã ra sức học hỏi, đọc tài liệu y học với mong muốn sẽ tự chữa khỏi bệnh cho mình. Sư cụ Thích Đàm Lương nhận thấy ở người thương binh này sự chăm chỉ, khiêm nhường và đức độ nên đã nhận anh làm đệ tử và truyền cho anh bí quyết chế loại thuốc bí truyền này. Nếu ai làm lương y, có bài thuốc quý gia truyền, hẳn họ luôn thấm nhuần rằng chỉ có thể truyền nghề cho con, cháu chứ không được truyền cho người ngoài nhưng anh thương binh Đào Viết Thoàn đã được sư cụ Thích Đàm Lương truyền nghề. Đây không chỉ là một đặc ân mà còn là sự tin tưởng tuyệt đối vào cái tài, cái tâm của anh. Sư cụ tin rằng anh sẽ dùng cái tài, cái tâm vào chữa bệnh cứu người chứ không kinh doanh, làm giàu trên nỗi đau của người bệnh.
Sư cụ Thích Đàm Lương biết tuổi mình đã cao, sự sống của mình như nén hương đang độ tàn nên dốc trí dốc sức truyền bảo tất cả những gì mình có cho người học trò yêu quý. Và sau 5 năm vừa chữa bệnh vừa học hỏi sư cụ Thích Đàm Lương, anh thương binh Đào Viết Thoàn đã nắm bắt thành thạo cách chế thuốc và phương pháp điều trị. Ngày 10/4/1986 âm lịch, sư cụ Thích Đàm Lương về với cõi Phật ở tuổi 94. Chịu tang sư cụ xong, anh Thoàn còn ở lại chùa thêm nửa năm nữa rồi quay lại Quân y viện. Năm 1987, anh thương binh Thoàn đề nghị các bác sĩ quân y viện được về nhà để tự chữa bệnh cho mình.
Trở về quê trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó, con nhỏ, bệnh tình lại liên tục tái phát nên kinh tế gia đình anh lại càng chồng chất khó khăn, tiền ăn còn túng bấn thì lấy đâu ra tiền mua thuốc, thế nên có lúc anh phải cắn răng để không bật ra tiếng kêu rên do vết thương hành hạ. Nhiều đêm trời đổ mưa, nhà dột nát, nghe tiếng mưa rơi toong toong vào xoong, chậu hứng nước mưa, nhìn người vợ trẻ bế đứa con thơ che chở cho con khỏi hắt mưa mà người thương binh rưng rưng nước mắt. Chính quyền cảm thương với hoàn cảnh của anh đã vận động nhân dân xây cho vợ chồng anh một căn nhà tình nghĩa.
Hãy tự cứu lấy mình trước, sau sẽ cứu người bệnh, anh thương binh Đào Viết Thoàn quyết tâm nghiên cứu bài thuốc học được ở chùa Trắng rồi sáng tạo, phát triển thành bài thuốc chữa bỏng. Lúc đầu anh chữa cho hàng xóm, người trong làng, thấy thuốc của anh hiệu quả, bôi vào không bị rát, vết bỏng mau lành, ít khi để lại di chứng sẹo nên tiếng lành đồn xa, bệnh nhân bỏng ở trong và ngoài tỉnh đổ về nhà anh để chữa bỏng ngày một nhiều, trong đó có rất nhiều bệnh nhân bị bỏng nặng. Cũng do thành tích trong chữa bỏng và làm công tác từ thiện mà lương y Đào Viết Thoàn đã được tặng rất nhiều bằng khen của huyện, tỉnh, Trung ương, và năm 2009, anh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Tôi đang miên man nghĩ suy về người thương binh thấp bé nhẹ cân nhưng phải mang trong mình bao vết thương nặng thì vợ anh mang cho anh một ca nước và mấy viên thuốc giục anh uống. Thì ra mỗi khi trái gió trở trời, anh vẫn phải uống thuốc điều trị vết thương cho chính mình. Hôm nay trời nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 41độ C, vết thương ở não đang hành hạ làm anh đau đớn, anh âm thầm chịu đựng nhưng bề ngoài vẫn vui vẻ, tận tụỵ với bệnh nhân để bệnh nhân yên tâm mà chữa bệnh.
Uống thuốc xong, lương y Thoàn ướm hỏi tôi theo đạo gì? Công giáo hay Phật giáo? Tôi bảo tôi theo Phật. Thế là lương y Thoàn tập tễnh dẫn tôi đến bên một cái điện nhỏ xây ở cạnh nhà, nơi mà anh thờ sư cụ Thích Đàm Lương. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng, trước khi bắt tay vào một ngày mới chữa cho bệnh nhân hay buổi trưa khám chữa bệnh xong và buổi tối sau khi đi bộ về là lương y Thoàn lại thắp cho sư cụ Thích Đàm Lương một nén nhang để tưởng nhớ đến người thầy từ bi đã truyền nghề cho mình.
Trong làn khói hương ngạt ngào, tôi như thấy đôi mắt của sư cụ Thích Đàm Lương trong tấm ảnh thờ đang lặng lẽ nhìn người học trò yêu quý Đào Viết Thoàn với nụ cười mãn nguyện.
Bút ký của VŨ ĐẢM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét