Bệnh nhân điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) cần phải tiêm insulin để thay thế hoặc bổ sung thêm lượng insulin cho cơ thể. Khi tiêm insulin có cần chú ý đặc biệt gì không? Nếu thuốc gây tác dụng phụ, xử lý thế nào?
Insulin là gì?
Insulin là một chất có ảnh hưởng lớn trong việc điều trị bệnh ĐTĐ. Đây là chất do tuyến tụy tiết ra giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở mức an toàn cho cơ thể. Muốn có năng lượng để hoạt động, cơ thể cần có glucose. Khi glucose đi vào cơ thể sẽ tiết ra chất insulin thực hiện quá trình chuyển hóa năng lượng. Bệnh ĐTĐ có hai dạng: ĐTĐ type 1 (cơ thể tiết ít hay không đủ insulin), ĐTĐ type 2 (cơ thể không sử dụng được insulin, do tuyến tụy bị phá hủy). ĐTĐ là bệnh xảy ra không liên quan đến việc ăn quá nhiều đường. Nhờ có insulin mà đường huyết chúng ta không tăng quá mức.
Insulin đưa vào cơ thể dạng tiêm (chích) là tốt nhất nhưng bệnh nhân thường có tâm lý sợ đau, sợ lên ký, sợ bị hạ đường huyết... dù hiện nay đã có nhiều loại kim tiêm không gây đau. Bác sĩ sẽ điều trị bắt đầu từ liều thấp, cho theo dõi đường huyết an toàn. Bên cạnh kết hợp với ăn kiêng và tập thể dục sẽ giúp hạn chế tăng cân. Bệnh nhân ĐTĐ type 1, type 2 có stress, nhiễm trùng, chấn thương, mổ xẻ hoặc đã dùng thuốc liều tối đa kết hợp chế độ ăn và vận động hợp lý nhưng đường huyết vẫn không kiểm soát tốt mới buộc phải dùng insulin dạng tiêm. Tuy nhiên, khi đưa vào cơ thể, bệnh nhân phải nắm các kĩ thuật để hạn chế tình trạng thuốc không vào được bên trong cơ thể. Dụng cụ tiêm insulin vào cơ thể đa dạng: ống tiêm U40, U100, bút tiêm, bơm tiêm là những dụng cụ sử dụng phổ biến hiện nay.
Một số lưu ý khi tiêm insulin
Ngoài việc sử dụng các loại máy được định sẵn liều lượng, thời gian tiêm thuốc vào cơ thể, bệnh nhân có thể tự mình tiêm thuốc qua sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Bệnh nhân ĐTĐ nên học cách tự chăm sóc bản thân. Việc tiêm thuốc cần đảm bảo vệ sinh tối đa vùng tiêm thuốc và dụng cụ tiêm. Tiêm thuốc trước khi ăn 30 phút hoặc trước khi đi ngủ. Sau khi dùng, lọ insulin phải được bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Nên trang bị máy thử đường huyết đối với bệnh nhân tiêm insulin, mục đích ngừa hạ đường huyết đột ngột, do đường huyết cao có thể hạ được, đường huyết thấp dẫn đến hôn mê sẽ trở tay không kịp. |
Trước khi tiêm, bệnh nhân nên dùng tay xoa cho lọ thuốc ấm lên. Bên trong lọ thuốc sẽ có một viên bi nhỏ, có nhiệm vụ đảo đều thuốc khi bệnh nhân làm động tác xoa lọ thuốc. Rút một lượng không khí vừa với lượng thuốc cần đưa vào cơ thể, sau đó kéo ống tiêm ra cho đến khi ta thu được một lượng thuốc vừa với khoảng khí lúc đầu. Làm như vậy bệnh nhân sẽ xác định chính xác lượng thuốc cần đưa vào cơ thể. Sau khi có một lượng thuốc vừa đủ, bệnh nhân làm động tác chích thuốc. Hướng của kim tiêm là hướng vuông góc 90 độ, không đâm xéo. Hiện nay các loại kim đã được thiết kế nhỏ, mỏng, khi tiêm vào theo đúng hướng, thuốc mới có thể vào được trong máu. Loại kim này không gây đau khi tiếp xúc với da. Bệnh nhân chỉ có thể tiêm ở các vị trí: mặt sau hai bên cánh tay, trước bụng, vùng đệm mông và vệ đùi. Đây là những nơi thuốc đi vào máu nhanh nhất, lượng thuốc hấp thụ cao.
Việc tiêm insulin sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn: dị ứng, tăng cân, hạ đường huyết. Tình trạng hạ đường huyết thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ có thể do tiêm insulin không đúng phương pháp. Khi có các dấu hiệu đói, vã mồ hôi, run tay, choáng váng, bệnh nhân nên nghĩ ngay đến việc hạ đường huyết. Dùng một ly sữa, bánh kẹo ngọt, một ly nước đường… tình trạng trên sẽ qua đi nhanh chóng.
BS. TRẦN QUỐC MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét